Vietnamese English Hàn Quốc

Ngành dệt may Việt Nam Kỳ vọng khởi sắc trong năm 2022

Vượt bão Covid-19, cán đích 39 tỷ USD

Dệt may là một trong những ngành sản xuất chủ lực của nền kinh tế, chiếm từ 12 - 16% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, như đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, thu hẹp thị trường tiêu thụ, song với sự chủ động, linh hoạt trong phương thức sản xuất, kinh doanh, ngành Dệt may đã từng bước vượt qua khó khăn.
 

Ảnh minh họa, nguồn Internet


Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), năm 2021 là năm cực kỳ khó khăn của ngành Dệt may Việt Nam. Tăng trưởng âm 9,8% năm 2020 khiến ngành Dệt may bước vào năm 2021 với nhiều nỗi lo. Nếu như quý I/2021, doanh nghiệp dệt may phấn khởi bởi đã ký được hợp đồng đến hết quý III/2021, thậm chí hết năm, thì sang quý II/2021, dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng, khiến sản xuất của các doanh nghiệp dệt may gần như đóng băng. Xuất khẩu dệt may tháng 7, 8, 9 năm 2021 liên tục giảm. Đơn hàng không thể trả cho đối tác. Làn sóng thứ tư của dịch COVID-19 trong quý III/2021 đã gây đứt gãy nguồn cung nguyên liệu và nhân lực lao động khiến cho các doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn và tổn thất nặng nề. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, năm 2021, do dịch Covid-19, 32 doanh nghiệp phải thực hiện “3 tại chỗ” với 15.267 người lao động, 17 doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất; hơn 35.000 lao động ngừng việc từ 2 đến 2,5 tháng do bị phong tỏa, cách ly hoặc doanh nghiệp ngừng sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phải chịu thêm nhiều chi phí về phòng dịch, trả lương ngừng việc, tổ chức “3 tại chỗ”, điều trị, cách ly tại chỗ cho
người lao động...

Công ty cổ phần May Việt Tiến cũng cho biết, giai đoạn 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội thì 8 nhà máy của May Việt Tiến nằm trọn trong “vùng đỏ”, thiệt hại vô cùng lớn.

Tuy nhiên, bước vào tháng 10/2021, khi Chính phủ ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, hoạt động sản xuất bắt đầu hồi phục. Các doanh nghiệp trở lại hoạt động, kết hợp một số thị trường lớn như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản... mở cửa, cùng sự trở lại làm việc của người lao động, giúp ngành dệt may phục hồi tăng trưởng.

Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã dần lấy lại nhịp độ sản xuất. Tại Tập đoàn Vinatex, trong tháng đầu tiên sau giãn cách xã hội, 90% người lao động tại tập đoàn đã quay lại làm việc. Đến nay, gần như 100% lao động đã làm việc bình thường. Nhiều doanh nghiệp khác số lao động tham gia sản xuất đã đạt 80-90%như: Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai; Công ty TNHH Fashion Garments 2; Công ty TNHH Dệt may Eclat Việt Nam…

Hội Dệt May Thêu đan TP Hồ Chí Minh (AGTEK) cho biết, 3 tháng cuối năm 2021, đơn hàng của các doanh nghiệp tiếp tục tăng lên người lao động tương đối ổn định là những tín hiệu tích cực cho phục hồi sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp dệt may khu vực TP Hồ Chí Minh và các tính phía Nam. Cùng với đó, dự trữ các đơn hàng tồn đọng chưa sản xuất còn khá nhiều, các đơn hàng mới được bổ sung sẽ giúp các doanh nghiệp dồi dào đơn hàng hơn. Ngoài ra, tinh thần người lao động cũng đang rất háo hức sau khi được trở lại làm việc, có những doanh nghiệp năng suất cao hơn bình thường.

Theo dự báo xu hướng tuyển dụng trong quý IV/2021 và đầu năm 2022 của Tập đoàn Navigos Group, các doanh nghiệp dệt may lớn và có uy tín đang thu hút rất nhiều đơn hàng. Nhiều công ty đã nhận đơn hàng tới tháng 4 đến tháng 6/2022 và vẫn đang cần tuyển thêm lao động để đáp ứng đơn hàng. Công ty Việt Thắng Jean cho biết, công ty cũng hoạt động trở lại từ đầu tháng 10/2021 và đang nỗ lực để xuất xưởng 1,2 triệu sản phẩm sang 8 nước châu Âu vào cuối tháng 6/2022.

Sự “chuyển mình” ấn tượng của doanh nghiệp dệt may đã đóng góp tích cực cho thành tích tăng trưởng của ngành dệt may năm 2021. Theo số liệu của Hiệp hội dệt may Việt Nam, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam năm 2021 ước đạt 39 tỷ USD kim ngạch, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã vượt qua Bangladesh, vươn lên vị trí thứ hai thế giới và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá ở vị trí cao nhất trong cơ hội phục hồi năm 2022. Đây là kết quả rất ngoạn mục, là sự «lội ngược dòng» để đạt được thành công bất ngờ trong điều kiện kinh tế - xã hội ở giai đoạn hết sức khó khăn do đại dịch. Các chuyên gia cho rằng, kết quả này sẽ là tiền đề để ngành dệt may tự tin xây dựng kế hoạch phát triển trong năm 2022.

 

Triển vọng năm 2022

Theo nhận định của Hiệp hội dệt may Việt Nam, năm 2022 tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam vẫn diến biến rất phức tạp, khó lường, song ngành dệt may vẫn ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Theo đó, các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)... đã mở cửa trở lại. Đặc biệt, Việt Nam đã thay đổi chính sách từ “zero Covid-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế.

Trên cơ sở tình hình diễn biến dịch bệnh, Vitas đã xây dựng mục tiêu xuất khẩu cho năm 2022 theo 3 kịch bản. Kịch bản tích cực nhất: phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 42,5 – 43,5 tỉ đô la, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quí I/2022. Kịch bản trung bình là đạt 40-41 tỉ đô la, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm. Kịch bản thấp nhất là đạt 38-39 tỉ đô la, trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022.

Để thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp dệt may trong thời gian tới, Vitas tiếp tục kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng; mở rộng thị trường xuất khẩu; tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may như Liên đoàn Các nhà sản xuất dệt may quốc tế (ITMF), Liên đoàn Dệt may Đông Nam Á (AFTEX), Liên đoàn Thời trang châu Á (AFF)…

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng đưa ra 3 kịch bản dự báo kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam trong năm 2022. Ở kịch bản cao, sản xuất trở lại từ quý IV/2021 đến quý I/2022, đã có trên 80% lao động trở lại nhà máy, với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD. Kịch bản trung bình, khi sản xuất trở lại từ quý IV/2021 đến quý I/2022, đã có trên 70% lao động trở lại và mỗi quý tiếp theo tăng thêm 10% lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 38 tỷ USD. Và ở kịch bản thấp, quý I/2022 vẫn chưa ổn định hoàn toàn, chỉ huy động được dưới 60% lao động và mỗi quý tiếp theo tăng thêm 10%, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 36 tỷ USD… Theo các chuyên gia đánh giá, nếu các địa phương sớm kiểm soát dịch bệnh thì khả năng ngành dệt may tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2021 là khả quan bởi thị trường đầu ra vẫn rất tốt, khả năng phục hồi sản xuất sau dịch cũng ở mức cao.

Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam năm 2022 còn được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực. Cụ thể, Hiệp định EVFTA, CPTPP sẽ giúp thị phần dệt may của Việt Nam tại Mỹ, EU và Mỹ mở rộng. Hơn nữa, xu hướng dịch chuyển nguồn cung ứng dệt may thế giới ra khỏi Trung Quốc, còn Việt Nam là một trong những điểm đến của các nhà nhập khẩu, hãng bán lẻ.

COVID-19 cũng làm thay đổi một số xu hướng. Đó là thúc đẩy nhu cầu về các sản phẩm thể thao. Đồng thời cũng thúc đẩy số hóa trong toàn ngành với gần 40% tổng doanh số bán hàng hiện đang được tạo ra từ các kênh kỹ thuật số. Các doanh nghiệp cũng chú trọng hơn đến quy trình sản xuất“xanh” trong nhà máy và sản xuất sợi bông, sợi tái chế. Điều này sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều hơn các đơn hàng của các đối tác lớn đang quan tâm đến vấn đề bền vững chuỗi cung ứng toàn cầu như H&M, Uniqlo, Nike, Adidas…

Các chuyên gia dự báo, năm 2022 tổng kim ngạch thương mại dệt may toàn cầu sẽ hồi phục hoàn toàn với khoảng trên 700 tỷ USD. Đây là cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam nối tiếp đà tăng trưởng, hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt trên 40 tỷ. Tuy nhiên, do đặc thù của ngành là thâm dụng lao động và phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng, vì vậy, song song với việc chủ động nguyên liệu sản xuất, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động và linh hoạt xây dựng các phương án sản xuất để không bị đứt gãy các đơn hàng xuất khẩu trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19./. 

Bài viết liên quan